Góc độ xã hội và sự lây nhiễm Phong cùi

Trước kia, bệnh phong là bệnh nan y nên người ta rất khiếp sợ nó. Trong xã hội, người bị nhiễm bệnh thường chịu thành kiến, chịu sự hắt hủi, xa lánh thậm chí bị ngược đãi (trôi sông, chôn sống, bỏ vào rừng cho thú dữ ǎn thịt).

Thực ra bệnh chỉ lây khi tiếp xúc lâu dài với các thể phong nặng (phong hở) như phong ác tính, phong đang tiến triển, chảy nước mũi nhiều và có tổn thương lở loét ở da, ở bàn tay, bàn chân. Các thể phong nhẹ khác như phong bất định, phong củ ít có khả nǎng lây hơn nhiều.

Cơ chế lây nhiễm của bệnh phong vẫn chưa được hiểu biết thấu đáo, nhưng người ta cho rằng bệnh lây qua các dịch nhầy (nước mũi...) của người bệnh, nhưng đòi hỏi phải có tiếp xúc gần và kéo dài. Tuy nhiên, nếu người bệnh đã bắt đầu điều trị thì khả năng truyền bệnh của họ giảm tới 99%. Đồng thời, khoảng 95% dân số có miễn nhiễm tự nhiên với bệnh này.[9] Theo thông tin mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay ngày càng có sự ủng hộ quan điểm cho rằng bệnh phong có thể lây qua đường hô hấp, đồng thời cũng không thể loại trừ hoàn toàn khả năng lây truyền qua côn trùng.[10]

Tỷ lệ lây giữa vợ chồng chỉ là 2-3%. Bệnh không di truyền và có thể chữa khỏi.

Hiện có nhiều loại thuốc điều trị rất có hiệu quả. Trong đó khi dùng thuốc Rifampicine sau 5 ngày sẽ hạn chế khả năng lây lan của vi khuẩn tới 99,9%.